Vĩnh Long tập trung các nguồn lực thúc đẩy phát triển Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), tạo tiền đề phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Vẫn còn lúng túng
Bà Nguyễn Thị Đoan Trân – chủ thể sản phẩm rượu truyền thống Cửu Long đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty CP SomoFarm Cửu Long (huyện Mang Thít) – chia sẻ: Khi bắt tay vào hồ sơ xét OCOP cũng gặp nhiều lúng túng vì chưa rõ đơn vị cần các minh chứng kèm theo là gì? trình tự báo cáo thủ tục ra sao?… Sau đó cũng vượt qua được nhờ Phòng NNPTNT và Chi Cục Phát triển nông nghiệp hướng dẫn cụ thể, đồng hành trong suốt quá trình bảo vệ ở các vòng để giải đáp các thắc mắc, nhắc nhở công tác chuẩn bị và động viên tinh thần cho doanh nghiệp.
Anh Lâm Hoàng Chí – Kỹ sư công nghệ thông tin, chủ cơ sở Thiên An 3 (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) với sản phẩm thanh long vỏ vàng ruột trắng vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022, cũng gặp không ít khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh, tiêu thụ sản phẩm do sản phẩm còn mới, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn giá thành cũng cao hơn sản phẩm cùng loại.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định chủ thể thuộc lĩnh vực xét OCOP, sản phẩm truyền thống thuộc lĩnh vực chế biến nông sản đã bị mai một chưa có cách để khôi phục phát triển.
“Phần lớn các các chủ thể hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh chỉ sản xuất và bán hàng qua hệ thống thương nhân, bán hàng thô chứ chưa chú trọng nhiều đến mẫu mã, tiếp thị, hạn chế về thông tin thị trường, nhất là các thị trường đầu mối yêu cầu tiêu chuẩn cao” – ông Dương Ái Đào, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Vũng Liêm chia sẻ.
Tiền đề để vươn xa
Ông Vũ Văn Năng – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất thành phẩm Nhật Quỳnh (huyện Tam Bình) cho biết: “Lợi ích thấy rõ nhất là quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến trong và ngoài tỉnh. Những thuận lợi này là động lực để công ty từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, năm nay đánh giá lại sau 36 tháng, sản phẩm vẫn giữ vững danh hiệu OCOP 4 sao”.
Chủ sản phẩm Sầu riêng Ri 6 và Sầu riêng sấy thăng hoa Nguyễn Minh Hậu (huyện Long Hồ) cho biết: “Nhờ các sản phẩm đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019 mà uy tín chất lượng của sản phẩm nâng lên, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận tích cực. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Úc, Canada, Mỹ… Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10 đến 15% đạt giá trị hàng tỉ đồng”.
Đến thời điểm này toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 107 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 4 sao. Riêng 2 sản phẩm Sầu riêng Ri 6 và Sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty TNHH Sáu Ri được xếp hạng 5 sao cấp Quốc gia năm 2022.
Với những kết quả đạt được trong thời qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NNPTNT công nhận sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao. Phối hợp Sở Công thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các ngành, địa phương, đơn vị liên quan hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, nhất là tại các điểm du lịch. Từ đó, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ông Liệt cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công ngành chuyên môn theo dõi, hỗ trợ các chủ thể OCOP, đặc biệt tuyên truyền về lợi ích của việc phát triển sản phẩm để các chủ thể hiểu được phát triển sản phẩm OCOP thực chất là phát triển kinh tế nông thôn, là hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ tại chỗ. Chú trọng xây dựng các mô hình OCOP kết hợp du lịch nông thôn, chú trọng công tác kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm sau khi được công nhận.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/vinh-long-tap-trung-cac-nguon-luc-thuc-day-phat-trien-ocop-1148436.ldo