Đến huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào những ngày giáp Tết sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn cam lòng vàng, cam đường canh trĩu trịt quả, vàng rực trên những sườn đồi. Với diện tích trồng cam lên tới 240 ha, những năm gần đây, huyện miền núi Như Xuân được xem như vựa cam ngọt nhất ở xứ Thanh. Những trái cam đường canh vàng óng, nặng trĩu cành đang dự báo một vụ mùa bội thu cho người dân nơi này.
Theo đuổi phương thức canh tác nông nghiệp bền vững, sản phẩm cam đường canh của gia đình anh Nguyễn Thanh Hồng (làng thanh niên sông Chàng, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP sản xuất theo quy trình hữu cơ từ năm 2012. Tại đây, cây cam được chăm sóc thủ công, tỉ mỉ từ khâu chọn giống, chiết ghép, bón phân đến làm cỏ, diệt sâu bệnh và thu hoạch. Nhờ canh tác hữu cơ, tự nhiên nên cây khỏe, hiếm bị sâu bệnh.
Để thu hái hơn 4 ha cam gia đình anh phải huy động từ 10-15 nhân công, kịp chuyển cho thương lái. Từng công đoạn như cắt cam, phân loại quả, đóng thùng… đều được gia đình anh Hồng làm tỉ mẩn, cẩn thận. Vụ cam này gia đình anh Hồng dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 60-80 tấn cam. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm gia đình anh Hồng thu về 200-300 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Dù gặp nhiều khó khăn do những biến động bất thường của thời tiết, dịch bệnh nhưng năm nay gia đình tôi vẫn có một vụ mùa thành công. Cam được gia đình tôi canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm nên được khách hàng rất ưa chuộng. Trong 5 năm trở lại đây, sản phẩm cam canh Hoang Thanh Orange’1 đạt tiêu chuẩn về nông sản sạch đã có mặt tại các chuyến bay của Vietnam Airlines, các siêu thị lớn, hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch của Thanh Hóa, Hà Nội…”
Ông Trịnh Khắc Bắc (thương lái đến từ thành phố Thanh Hóa) cho biết: “Tôi chuyên phân phối sản phẩm cho các cửa hàng trái cây sạch ở Thành phố Thanh Hóa, khách hàng rất ưa chuộng sản phẩm cam canh Hoang Thanh Orange’1, tuy giá có cao hơn nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đã có lượng khách đặt 20 tấn nên hôm nay tôi lên làm việc với nhà vườn để đặt đủ lượng cam cho khách trong Tết này.”
Trước khi trồng cam, gia đình chị Lê Thị Huệ (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) có trồng các loại cây ăn quả khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2013, sau khi được cán bộ nông nghiệp UBND xã Xuân Hoà tư vấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật về trồng cam, gia đình chị Huệ đã vay vốn để trồng cây cam.
Năm 2015, gia đình chị tham gia Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Thành Công (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) và bắt đầu xây dựng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện gia đình chị Huệ có 5 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 1.000 gốc cho thu hoạch. Năm 2020, sản phẩm cam đường canh Như Xuân của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Thành Công được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.
Chị Lê Thị Huệ (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) cho biết: “Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm cam đường canh của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Thành Công nói chung và cam của gia đình tôi nói riêng được khách hàng đánh giá cao. Năm nay, cam đạt năng suất cao nên bà con trồng cam rất phấn khởi, các nhà vườn đang tranh thủ thời gian thu hoạch và xuất bán cho thương lái.”
Theo thống kê của UBND huyện Như Xuân, cây cam được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Hòa (140ha), Xuân Bình (40ha), Bãi Trành (30ha)… năng suất bình quân 24,5 tấn/ha, sản lượng thu hoạch gần 5.000 tấn quả. Cam đường canh được trồng ở Như Xuân (có nơi gọi là cam giấy) có vỏ mỏng và dai.
Cam năm nay được đánh giá đẹp hơn mọi năm, quả to, tròn đều, vỏ nhẵn, mọng nước… cam chín tự nhiên nên khi ăn có vị ngọt đậm đà. Ngoài ra, cam đường canh quả căng, múi mọng, ít bị khô và ăn có vị ngọt thanh mát nên thời điểm giáp tết, các thương lái đến mua tận vườn để phục vụ nhân dân đón Tết…
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân khẳng định, dịp Tết này rất nhiều sản phẩm OCOP của huyện được người dân trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Sản phẩm cam Như Xuân hiện đã được xuất bán vào thị trường các tỉnh phía Nam và luôn cháy hàng trong dịp Tết nguyên đán.
Để phát triển thương hiệu cam, UBND huyện Như Xuân đã hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam đường canh Như Xuân. Nhờ đó, sản phẩm cam đường canh Như Xuân đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường, giá trị kinh tế ngày càng nâng lên, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất. Năm 2023, huyện sẽ mở rộng quy mô trồng theo từng vùng và dần dần nâng tầm giá trị của cây cam đường canh lên OCOP 4 sao.
Với giá bán bình quân tại vườn từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, mỗi hecta cam mang lại doanh thu từ 500-600 triệu đồng, nhờ đó nhiều hộ nông dân trồng cam ở Như Xuân có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhờ cây cam trong mỗi niên vụ sản xuất. Cây cam không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Như Xuân.
Hiện 100% các hộ trồng cam trên địa bàn huyện đã ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản an toàn; trong đó, nhiều hộ đã đăng ký để xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam Như Xuân.
Tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.200 ha trồng cây cam tập trung tại các huyện Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thọ Xuân… Những năm gần đây, nhiều địa phương đã mạnh dạn tập trung chuyển đổi đất lúa và cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân địa phương.
Nguồn: https://dantocmiennui.vn/vua-cam-xu-thanh-vao-mua-thu-hoach-tet/329977.html