Xác định xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh “Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, tỉnh luôn hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022, Quảng Ninh đã lồng ghép nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; nâng cao chất lượng chương trình nông thôn mới bằng việc nâng các chỉ tiêu, tiêu chí theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, từ khi đưa Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011-2015 vào cuộc sống, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, tỉnh đã tạo ra một chương trình mới, bài bản, hiệu quả đó là chương trình “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).
Chương trình đã thực sự góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hình thành sản xuất hàng hóa.
Song hơn hết, từ sự tiên phong của Quảng Ninh, chương trình OCOP cũng đã được Chính phủ chọn làm mô hình nhân rộng ra các tỉnh, thành trên cả nước.
Từng là ốc đảo nằm biệt lập, bị chia cắt bởi sông Tiên Yên, đời sống của người dân trong thôn Nà Cà (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) còn gặp nhiều khó khăn.
Được sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, đến nay những cây cầu, đường giao thông được xây dựng, kết nối thôn, bản, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất.
Thôn có 77 hộ thì có tới 22 hộ nuôi gà Tiên Yên theo hướng sản xuất hàng hóa với hơn 22.000 con. Người dân còn tích cực sản xuất lâm nghiệp, như khai thác nhựa thông, trồng rừng…
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã xác định nguồn lực từ nhân dân là yếu tố quan trọng làm nên thành công của chương trình.
Nhờ đó, hạ tầng, diện mạo, đời sống của người dân thôn Nà Cà ngày một đổi thay. Thôn tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Người dân đã cùng nhau mở rộng 700m đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh bóng mát, xây mới bồn hoa, sơn mới nhà văn hóa, lắp đặt cổng chào, xây dựng 4 mô hình vườn mẫu, lắp đặt điện chiếu sáng, xây dựng hộ gia đình kiểu mẫu…
Các thôn khác của xã Phong Dụ cũng đang thực sự đổi mới, là thành quả ngọt ngào của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với sự hỗ trợ của địa phương, quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân.
Tại thôn Tân Ốc 2 (xã Đồng Sơn, TP Hạ Long), gia đình a Lý Sinh Ngọc đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi gà Tiên Yên với 2.000 con gà giống.
Để phát triển mô hình, bên cạnh tham khảo hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp của xã, anh Ngọc đã chủ động tự tìm hiểu, học hỏi các kỹ thuật chăn nuôi, đặc tính của giống gà Tiên Yên.
Anh xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, chia làm nhiều khu vực: Khu chăm sóc gà giống; khu nuôi gà sinh sản; khu nuôi gà thương phẩm… Nhờ đầu tư bài bản, đàn gà của gia đình anh Ngọc phát triển tốt. Gia đình anh đã xuất bán lứa gà thương phẩm đầu tiên trên 1.000 con.
Anh Ngọc chia sẻ: Được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền đại phương, gia đình tôi đang nhân rộng đàn gà nuôi trên 3.000 con; mở rộng diện tích chăn thả theo hướng bán công nghiệp với trên 2.000m2, chia làm 3 khu chuồng và vườn thả. Với mô hình chăn nuôi hiện tại đã cho gia đình tôi hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
Tại huyện Bình Liêu, cây dong riềng được đánh giá là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao, giảm nghèo hiệu quả cho nông dân địa phương.
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất của huyện, hàng năm Hội Nông dân huyện Bình Liêu đều phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng.
Đồng thời, hỗ trợ giống, máy móc, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích nông hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn để tạo đầu ra bền vững.
Huyện đã hình thành được một số vùng trồng dong riềng với gần 120ha tại các xã Húc Động, Lục Hồn, Đồng Tâm, Vô Ngại…
Dưới sự hướng dẫn, vận động của Hội Nông dân các cấp, nhiều nông sản khác trong tỉnh, như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, hải sản Vân Đồn, vải Phương Nam, ổi Hoành Bồ… đã hình thành được các vùng sản xuất lớn, quy mô tập trung.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với gần 5.000 ha. Tiêu biểu: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX Quảng Yên; vùng trồng hoa tại TP Hạ Long; vùng chăn nuôi lợn Móng Cái; vùng nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn…
Để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh theo hướng an toàn, bền vững, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp hội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết để nâng cao sản phẩm.
Áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình chăm sóc, chế biến để nâng cao năng suất. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên.
Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân đã triển khai mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Từ phong trào này, mỗi năm có thêm hàng nghìn nông hộ có thu nhập từ chục triệu đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân nông thôn.
Bên cạnh việc nâng cao tiêu chí thu nhập, Hội Nông dân các cấp phát huy hơn nữa vai trò của hội viên, nông dân trong tham gia xây dựng môi trường nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, mô hình hay, hiệu quả.
Theo đó, nhân rộng mô hình “Sạch đồng sạch ruộng”, xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng; duy trì phong trào “Ngày chủ nhật xanh” dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng hằng tuần…
Đặc biệt, trong năm nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội, cán bộ, hội viên, nông dân trong tham gia giám sát thực hiện cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Xác định xây dựng nông thôn mới “Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, do vậy, giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn với mục tiêu đưa đời sống người dân nông thôn ngày càng khá giả, người dân có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ như đô thị, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Đồng thời, lấy sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng nông thôn mới bền vững; tiếp tục đột phá, sáng tạo những cách làm và hướng đi mới.
Nguồn: https://danviet.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-quang-ninh-chi-co-diem-khoi-dau-khong-co-diem-ket-thuc-20221128112246997.htm